Đặc sản Hà Giang: Những món ăn nên thử một lần trong đời

Hà Giang không chỉ cuốn hút bởi những cung đường uốn lượn giữa núi đá tai mèo, những thửa ruộng bậc thang vàng óng hay mùa hoa tam giác mạch tím mơ, mà còn níu chân du khách bởi nền ẩm thực độc đáo. Từ thắng cố, mèn mén cho đến cháo ấu tẩu, mỗi đặc sản Hà Giang đều gắn liền với đời sống của người dân nơi đây.

1. Những món đặc sản Hà Giang phải thử tại chỗ

1.1. Thắng cố

Được mệnh danh là "linh hồn" của các phiên chợ vùng cao, Thắng Cố là món ăn truyền thống của người H'Mông. Món này được nấu từ thịt và toàn bộ nội tạng của ngựa (hoặc trâu, bò), ninh nhừ trong một chiếc chảo lớn cùng gần 20 loại gia vị núi rừng đặc trưng như thảo quả, quế, hồi, địa điền, v.v. Thắng Cố có vị ngọt béo của thịt, dai giòn của nội tạng và hương thơm nồng nàn, độc đáo của gia vị.

Giá tham khảo:

  • Tại các phiên chợ: 80.000 - 100.000 VND/bát.
  • Tại nhà hàng (ăn theo dạng lẩu): 300.000 - 500.000 VND/nồi.

Địa chỉ uy tín gợi ý:

  • Các phiên chợ vùng cao như chợ phiên Đồng Văn (sáng Chủ Nhật), chợ phiên Mèo Vạc.
  • Một số nhà hàng trong khu Phố cổ Đồng Văn.
  • Nhà hàng Cơm dân tộc, nhà hàng Zẻn, v.v. ở thành phố Hà Giang

Thắng cố

Thắng cố (Nguồn: Internet).

1.2. Cháo ấu tẩu

Đây là món cháo "độc nhất vô nhị" của Hà Giang, thường được ví von là "cháo độc dược" hay "cháo đắng". Củ ấu tẩu là một loại củ có độc tính mạnh, nhưng qua quá trình ngâm, ninh kỹ suốt nhiều giờ của người dân bản địa, độc tố sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn, chỉ còn lại vị bùi, đăng đắng đặc trưng.

Cháo được nấu từ gạo nương dẻo thơm, chân giò lợn béo ngậy và củ ấu tẩu đã qua sơ chế. Bát cháo có màu nâu sậm, khi ăn có vị đắng nhẹ ở đầu lưỡi nhưng hậu vị lại ngọt bùi, rất lạ miệng. Người dân tin rằng cháo ấu tẩu có tác dụng giải cảm, giảm đau nhức xương khớp rất tốt.

Giá tham khảo: 30.000 - 50.000 VND/tô

Địa chỉ gợi ý:

  • Quán cháo Hương: Tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang.
  • Quán Mộc Miên: 127 Nguyễn Thái Học, TP. Hà Giang.

Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu (Nguồn: Internet)

1.3. Mèn mén

Mèn mén là món ăn lâu đời của người H’Mông, làm từ ngô xay nhuyễn rồi hấp chín bằng nồi hơi truyền thống. Ngô dùng là giống ngô nương bản địa, dẻo và thơm đặc trưng, thường ăn kèm canh xương, thắng cố hoặc rau cải. Nhiều du khách chia sẻ lần đầu ăn thấy lạ miệng, nhưng càng nhai lại càng cảm nhận được vị bùi ngọt rất riêng.

Giá tham khảo: 15.000 - 20.000 VND/bát

Địa chỉ gợi ý: Các phiên chợ như Mèo Vạc, Đồng Văn,v.v

Mèn mén

Mèn mén (Nguồn: Internet).

1.4. Phở chua Hà Giang

Khác với phở nóng truyền thống, phở chua Hà Giang là một món ăn nguội, có vị chua thanh mát, rất thích hợp để thưởng thức vào tiết trời mùa hè oi bức. Một bát phở đầy đủ sẽ có bánh phở mềm, thịt xá xíu đậm đà, thịt vịt quay giòn bì, lạp xưởng, v.v. Linh hồn của món ăn nằm ở phần nước sốt chua ngọt, sánh nhẹ được pha chế theo công thức riêng từ dấm, đường và các gia vị khác, rưới đều lên trên cùng. Khi ăn, bạn trộn đều tất cả các thành phần, thêm chút lạc rang, rau thơm để cảm nhận sự hòa quyện của đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, giòn, dai rất lạ miệng và hấp dẫn.

Giá tham khảo: 30.000 - 50.000 VND/bát

Địa chỉ gợi ý: Chợ Đồng Văn

Phở chua Hà Giang

Phở chua Hà Giang (Nguồn: Internet)

1.5. Cơm lam Bắc Mê

Cơm lam là món ăn đặc trưng của nhiều dân tộc vùng núi, nhưng cơm lam Hà Giang, đặc biệt là ở huyện Bắc Mê, vẫn có nét riêng. Gạo nếp nương dẻo thơm được vo sạch, ngâm và cho vào những ống nứa non, sau đó nút lại bằng lá chuối rồi nướng trực tiếp trên than hồng cho đến khi chín.

Khi ăn, người ta chẻ lớp vỏ nứa cháy xém bên ngoài, để lộ ra phần cơm trắng ngần, dẻo thơm, quyện với hương thơm tinh tế của tre nứa. Cơm lam ngon nhất là khi chấm với muối vừng hoặc ăn cùng thịt nướng.

Giá tham khảo: 15.000 - 30.000 VND/ống (tùy kích thước ống)

Địa chỉ gợi ý: Các phiên chợ vùng cao, các nhà hàng Cơm dân tộc tại Hà Giang và các thị trấn, các làng văn hóa du lịch cộng đồng, v.v.

Cơm lam Bắc Mê

Cơm lam Bắc Mê (Nguồn: Internet).

1.6. Thắng dền

Nhìn qua, thắng dền khá giống bánh trôi tàu ở miền xuôi, nhưng được làm từ gạo nếp hương Yên Minh dẻo thơm, viên tròn nhỏ, bên trong có nhân đậu xanh hoặc đậu đỏ. Nước dùng được nấu từ đường hoa mai, nước cốt dừa và không thể thiếu vị cay nồng đặc trưng của gừng già. Khi ăn, người ta rắc thêm chút lạc rang và dừa nạo.

Giá tham khảo: 5.000 - 15.000 VND/bát

Địa chỉ gợi ý: Phố cổ Đồng Văn (buổi tối), chợ đêm hoặc các quán ăn vặt ở thành phố Hà Giang.

Thắng dền

Thắng dền (Nguồn: Internet)

2. Đặc sản Hà Giang mua về làm quà

2.1. Mật ong bạc hà

Mật ong bạc hà Hà Giang được khai thác từ hoa bạc hà dại trên cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh. Loại mật này nổi bật với vị ngọt thanh, hậu the nhẹ và sắc mật vàng xanh đặc trưng, khiến nhiều người ví như “thực phẩm vàng của vùng cao”. Đây là một món quà rất ý nghĩa cho gia đình khi du lịch Hà Giang.

  • Giá tham khảo: Khoảng 300.000 - 500.000 VND/lít, đáng để đầu tư cho sức khỏe và làm quà ý nghĩa
  • Địa chỉ gợi ý: chợ Mèo Vạc, chợ Quản Bạ hoặc các hợp tác xã địa phương. Mật có chứng nhận OCOP, đóng trong chai thủy tinh.

Lưu ý: Nên chọn mật có màu tự nhiên, không chuyển sang xanh quá đậm hay có vị chua.

Mật ong bạc hà

Mật ong bạc hà (Nguồn: Internet).

2.2. Trà Shan Tuyết cổ thụ

Trà Shan Tuyết Hà Giang nổi lên như một món quà sức khỏe với từ cây chè cổ thụ cao hơn 1.400m tại vùng Cao Bồ, Tây Côn Lĩnh. Lá trà dày, có lớp lông mịn như tuyết, khi pha cho vị chát nhẹ đầu lưỡi, hậu ngọt thanh và hương thơm lưu lâu. Với khả năng hỗ trợ tiêu hóa, thanh lọc cơ thể và thư giãn tinh thần, loại trà này được nhiều du khách chọn mua làm quà sau chuyến đi.

Giá tham khảo: từ 120.000 - 200.000 VND/100g, có thể pha nhiều nước vẫn đậm vị.

Địa chỉ gợi ý: Tại hợp tác xã chè Cao Bồ hoặc các quầy OCOP ở chợ Quản Bạ.

Lưu ý: Chọn trà được đóng gói hút chân không, giữ trong hộp thiếc và nên thử trước để chọn dòng phù hợp khẩu vị.

Trà Shan Tuyết cổ thụ

Trà Shan Tuyết cổ thụ (Nguồn: Internet).

2.3. Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu bản dày miếng, được ướp với gừng, ớt, mắc khén rồi hun khói nhiều ngày trên bếp củi. Khói và gia vị thấm sâu tạo nên lớp vỏ sậm màu, bên trong thịt vẫn giữ được độ ẩm, mềm, cay nhẹ và thơm nồng. Món này vừa ngon miệng, vừa tiện mang về làm quà biếu đầy ý nghĩa sau mỗi chuyến đi.

Giá tham khảo: 650.000 - 850.000 VND/kg

Địa chỉ gợi ý: chợ Đồng Văn hoặc các cửa hàng OCOP, homestay địa phương.

Lưu ý: Ưu tiên loại đóng gói chân không. Khi mua nên kiểm tra màu sắc của thịt.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp (Nguồn: Internet)

2.4. Lạp xưởng gác bếp

Lạp xưởng bản địa được làm từ thịt lợn bản, tẩm mắc khén và tiêu rừng, rồi treo gác bếp hun khói 5 - 7 ngày. Lạp xưởng ngon nhất khi được chiên hoặc nướng thơm, chấm cùng mắm gừng đậm đà. Vị ngậy béo xen chút dai mềm, thơm mùi khói bếp khiến ai ăn thử cũng khó cưỡng lại.

  • Giá tham khảo: 250.000 - 400.000 VND/kg
  • Địa chỉ gợi ý: Phổ biến tại Mèo Vạc, Đồng Văn hoặc cửa hàng OCOP.
  • Lưu ý: Nên mua loại hút chân không và có thể yêu cầu bảo quản lạnh nếu mang đi xa

Lạp xưởng gác bếp

Lạp xưởng gác bếp (Nguồn: Internet)

2.5. Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch là món ăn đặc trưng gắn liền với loài hoa biểu tượng của Hà Giang. Bánh thường có màu tím, trắng hoặc vàng nhạt, được bày bán nhiều ở các chợ phiên vùng cao. Khi thưởng thức, bánh mềm xốp, vị béo nhẹ và thoảng hương nồng đặc trưng của hoa tam giác mạch. Món này có thể ăn kèm cùng thịt lợn cắp nách hay thắng cố để tăng hương vị.

Giá: 15.000 VND/gói

Địa chỉ gợi ý: Thường bán tại các điểm du lịch Đồng Văn, chợ phiên Cao nguyên hoặc homestay.

Lưu ý: Bánh dễ hỏng nếu không giữ lạnh. Vì thế bạn có thể mua dạng khô để tự hấp khi về, tiện mang làm quà.

Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch (Nguồn: Internet)

3. Các điểm bán đặc sản chất lượng ở Hà Giang

1 - Chợ phiên Đồng Văn: Chợ bày bán đủ món đặc sản Hà Giang như thắng cố, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, thịt gác bếp, mật ong bạc hà. Bạn nên đến từ sáng sớm, mang theo tiền mặt và hỏi kỹ giá trước khi mua. Ngoài ra, bạn còn có thể hòa mình vào khung cảnh rực rỡ sắc váy thổ cẩm, tiếng nói cười rộn ràng và khám phá nét sinh hoạt đặc trưng của người dân vùng cao.

  • Giờ họp: 05:00 - 13:00, sáng Chủ Nhật
  • Địa chỉ: Thị trấn Đồng Văn

Chợ phiên Đồng Văn

Chợ phiên Đồng Văn (Nguồn: Internet).

2 - Chợ Mèo Vạc: Đây là nơi buôn bán nông sản, thổ cẩm, lạp xưởng, rượu ngô, v.v. Người dân mang theo sản vật tự làm từ khắp bản làng như rau củ, mật ong, bánh rán, đồ khô, v.v. để trao đổi. Đến đây bạn sẽ không bao giờ thấy cảnh người bán nói thách hay ép mua, bởi nếu không bán hết họ sẽ mang về và đợi đến phiên chợ sau. Đây là một nét rất đặc trưng của phiên chợ vùng cao.

  • Giờ họp: 04:00 - 12:00, sáng Chủ Nhật
  • Địa chỉ: Thị trấn Mèo Vạc

Chợ Mèo Vạc

Chợ Mèo Vạc (Nguồn: Internet).

3 - Cửa hàng OCOP Hà Giang: Tại đây có đầy đủ sản phẩm được chứng nhận OCOP như mật ong bạc hà, thịt trâu gác bếp, trà Shan Tuyết, bánh chưng gù, lạp xưởng, v.v. Tất cả đều được đóng gói đẹp mắt, hút chân không nên rất tiện cho việc vận chuyển xa.

  • Giờ mở cửa: 08:00 - 18:00
  • Địa chỉ: Số 05 Nguyễn Huệ, thành phố Hà Giang

Cửa hàng OCOP Hà Giang

Cửa hàng OCOP Hà Giang (Nguồn: Internet).

4 - Chợ Quản Bạ: Chợ Quản Bạ là phiên chợ nằm ngay chân “Cổng Trời” với những gian hàng chỉ là chiếc lán dựng tạm bằng tre nứa, lá cọ. Phiên chợ họp mỗi sáng Chủ Nhật, thu hút đồng bào H’Mông, Dao, Tày, v.v. từ các bản xa mang theo rau củ, thảo dược, lợn cắp nách, thịt khô và đồ thổ cẩm tự làm để trao đổi.

  • Giờ họp: Sáng chủ nhật
  • Địa chỉ: Thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ (cách thành phố Hà Giang khoảng 50 km)

Chợ Quản Bạ

Chợ Quản Bạ (Nguồn: Internet).

Với những chia sẻ chi tiết về đặc sản Hà Giang, hy vọng bạn đã sẵn sàng cho hành trình khám phá hương vị vùng cao đầy thú vị. Đừng quên đặt vé máy bay trên Vietnam Airlines để khởi hành thuận tiện và an toàn nhé!